(Tin tuc hailua) - Lòng tham của con người đã giết chết chính bản thân họ. Nhiều người đã bị lừa rất nhiều tiền qua mạng internet.
Theo Công an TPHCM, các đối tượng lừa đảo gửi quà qua mạng rồi đề nghị người nhận quà chuyển tiền cho chúng...
Chiều 30-7, Công an TPHCM đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí để thông báo một số tình hình an ninh trật tự trong 6 tháng đầu năm 2010. Tại buổi gặp đại tá Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết hiện nay trên địa bàn TPHCM đã xuất hiện kiểu lừa đảo mới qua mạng internet.
Có sự giúp sức của người Việt
Các đối tượng lừa đảo gửi thư qua e-mail với nội dung bạn sẽ nhận được gói hàng bên trong có giấu ngoại tệ. Tuy nhiên, để lấy được số ngoại tệ trên, người nhận thư phải chuyển cho chúng một số tiền qua tài khoản ngân hàng.
hông qua internet, chị P.T.T.H (ngụ quận 10) quen một đối tượng tự giới thiệu tên là W. Philip, sống tại Anh. Sau khi liên lạc với nhau nhiều lần qua e-mail và điện thoại, ngày 10-7, W. Philip gửi e-mail cho chị H. thông báo đã gửi cho chị H. một món quà qua công ty giao nhận Swift Coporate Delivery International (viết tắt là Công ty Swift) của Anh, trong gói quà có 10.000 bảng Anh.
Sau đó, chị H. nhận được e-mail từ một địa chỉ ghi là Công ty Swift với nội dung xác nhận W. Philip có gửi một gói hàng cho chị H. và thông báo lịch trình của chuyến bay chở gói hàng.
Ngày 12-7, chị H. tiếp tục nhận được e-mail từ Công ty Swift thông báo kiện hàng đã tới Việt Nam nhưng bị cơ quan hàng không tạm giữ vì phát hiện bên trong có ngoại tệ. Để giải phóng gói hàng, chị H. phải chuyển 1.560 USD qua tài khoản 0101... tại một ngân hàng ở TPHCM cho người đại diện của Công ty Swift tên là N.T.V.D.
Cùng ngày, chị H. cũng nhận được điện thoại của người xưng tên là D. thông báo nội dung giống như trong e-mail. Tin tưởng, chị H. đã nhờ người thân chuyển số tiền như yêu cầu vào tài khoản nêu trên. Sau đó, chị H. dò tìm thì được biết Công ty Swift không hề tồn tại ở nước Anh nên báo công an...
Cả tin và có chút lòng tham
Qua xác minh, cơ quan công an phát hiện chủ tài khoản trên là N.T.V.D. Đối tượng này khai sống như vợ chồng với một người đàn ông gốc Phi tên F.T., có hai con chung nhưng không biết “chồng”... làm nghề gì và vì sao nhiều người lại gửi tiền vào tài khoản của D.!
Hiện D. đã giao số tài khoản trên cho “chồng” sử dụng và “chồng” D. đang sống với một phụ nữ khác tên là L.T.K.V. Khi được triệu tập tới làm việc, V. khai quen với F.T. khoảng một năm và đối tượng này cho biết là đại diện của Công ty Swift. Sau đó, F.T. đưa cho V. một danh sách và nhờ V. mạo nhận là D. gọi điện cho những người có tên trong danh sách trên yêu cầu họ gửi tiền vào tài khoản của D. và V. Những lần như vậy, V. được trả công 3 triệu đồng.
Ngoài chị H., cơ quan công an còn tiếp nhận trường hợp của chị N.T.T.K (ngụ quận Bình Thạnh) cũng bị lừa với phương thức, thủ đoạn tương tự. Sau khi chiếm đoạt số tiền lên tới 182 triệu đồng của chị K., các đối tượng lừa đảo còn gọi điện yêu cầu nạn nhân gửi tiếp nhiều ngàn USD cho chúng...
Qua điều tra, cơ quan công an xác định đối tượng mang tên F.T. hay W. Philip chỉ là tên giả và đây là đường dây chuyên lừa đảo bằng công nghệ cao với nhiều mắt xích và diễn ra ở một số tỉnh, thành trong cả nước. “Vụ án vẫn đang được Công an TPHCM điều tra. Các nạn nhân do quá cả tin và cũng có chút lòng tham nên bị lừa” - đại tá Phan Anh Minh nói.