Tối 2/8, Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và chương trình “Kiều bào và Tuần văn hóa dân tộc hướng về Đại lễ” đã bế mạc.
Lễ bế mạc bắt đầu bằng trích đoạn “Vua Lý Thái Tổ dời đô” do các nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội trình diễn.
Tiếp đó là lễ trao bài vị chân linh tử trận trong chiến tranh Việt Nam đến Đại sứ một số nước. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức cầu siêu và trao bài vị chân linh các chiến binh và những người tham gia phục vụ chiến tranh của một số nước đã tham chiến tại Việt Nam trước đây, thể hiện truyền thống nhân ái của Phật giáo và chính sách tự do tôn giáo tín ngưỡng của Việt Nam.
Mô tả ảnh.
Ảnh: Phattuvietnam
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và chương trình “Kiều bào và Tuần văn hóa dân tộc hướng về Đại lễ” là hoạt động lễ nghi tâm linh văn hóa truyền thống có quy mô, thời gian, không gian lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Hà Nội.
Những nội dung và chương trình của Đại lễ có sức thu hút to lớn, lưu lại dấu ấn tốt đẹp đối với tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, với cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế.
Cũng trong ngày hôm nay đã diễn ra nhiều hoạt động như Đại lễ cầu siêu, cầu an theo nghi lễ Phật giáo miền Nam do Ban kinh sư miền Nam chủ trì. Hòa thượng Thích Trí Quảng - Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng Ban Phật giáo quốc tế Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thuyết pháp cho đại chúng với chủ đề “Giáo hội Phật giáo Việt Nam với thời hội nhập”.
Thuyết pháp về Phật giáo. Ảnh: Phattuvietnam
Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra từ 27/7 đến 2/8 với nhiều hoạt động như rước xá lợi Phật từ chùa Quán Sứ về Hoàng thành Thăng Long, Đại lễ cầu quốc thái dân an, hội thảo Phật giáo thời Lý với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, lễ hội hoa đăng “Dấu ấn Thăng Long”, cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì nước qua các triều đại, triển lãm cổ vật, mỹ thuật, nhiếp ảnh Phật giáo….