Những người dành quá nhiều thời gian lang thang trên mạng Internet có khả năng mắc chứng trầm cảm cao gấp rưỡi so với người dùng điều độ, một công trình nghiên cứu mới đây tại Trung Quốc cho biết.
Mô tả ảnh.
Chuyên gia Lawrence Lam đã mô tả một số dấu hiệu “lạm dụng Internet quá mức” như dành tối thiểu 5-10 tiếng mỗi ngày lướt web, bức bối, bứt rứt khi không được ngồi trước máy tính và mất hứng thú vào việc tương tác xã hội với “người thật, việc thật”.
“Một số người ôm máy tính hơn 10 tiếng/ngày. Họ chính xác là đang bị bệnh và biểu hiện rất rõ các dấu hiệu, triệu chứng của việc nghiện…. lướt Internet, chơi game”, ông Lam cho biết. “Họ không thể nào tách tâm trí của mình khỏi Internet được. Họ sẽ cảm thấy rất khó chịu nếu như không được sớm quay trở lại với Internet dù chỉ mới xa máy tính một thời gian rất ngắn”, nhà tâm lý học tại Đại học Y khoa Notre Dame, Sydney nói thêm.
“Họ không muốn gặp gỡ bạn bè, không muốn tham gia các buổi tụ họp gia đình, không muốn dành thời gian bên bố mẹ, họ hàng hay người thân”.
Cuộc điều tra được tiến hành với 1041 thanh thiếu niên có độ tuổi từ 13-18 tại thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc. Khi bắt đầu khảo sát, những người này đều không có bất cứ biểu hiện nào của chứng trầm cảm. Tuy nhiên 9 tháng sau, 84 người trong số họ được kết luận là đang mắc hội chứng trầm cảm và nhóm người này có tỷ lệ sử dụng Internet vượt trội so với những người bình thường.
“Kết quả nghiên cứu gợi ý rằng giới trẻ rất dễ bị ảnh hưởng bởi Internet. Ban đầu, họ hoàn toàn lành mạnh, không có bất cứ vấn đề nào về sức khoẻ tinh thần. Tuy nhiên sử dụng Internet quá đà đã gây ra nhiều hậu quả cho tâm lý và hành vi”.
Theo lý giải của ông Lam, chứng trầm cảm xuất phát từ việc người dùng thiếu ngủ thường xuyên và sức ép nặng nề từ những trò game online mang tính đối kháng cao. “Những người dành quá nhiều thời gian trên mạng Internet sẽ mất ngủ và một khi càng thiếu ngủ, khả năng trầm cảm sẽ càng lớn”.
Ông Lam cho biết đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về mối liên hệ giữa lạm dụng Internet với trầm cảm. Ông cũng kêu gọi các trường học nên rà soát và kiểm tra lại xem học sinh, sinh viên của mình có bị nghiện Internet hay không, từ đó đưa “bệnh nhân” đi tham vấn và điều trị tâm lý