ổng thống Mỹ Barack Obama mới đây ám chỉ các biện pháp trừng phạt Iran nên được tiếp tục nhưng ông này hy vọng sẽ tìm được một “con đường” để giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân với Tehran.
Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng hồi tuần trước, Tổng thống Obama tuyên bố ông vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Iran nếu Tehran thực thi “những biện pháp xây dựng lòng tin” nhằm chứng minh họ không theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Mỹ đang ký thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran hồi đầu tháng 7.
Những lời nói trên của ông Obama dường như mâu thuẫn với tuyên bố gần đây của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ - Đô đốc Mike Mullen về việc Washington có kế hoạch đánh Iran nếu thấy cần thiết.
Nhiều nhà phân tích tin rằng chính quyền hiện nay của Mỹ vẫn có xu hướng ưa chuộng các biện pháp trừng phạt trong việc xử lý vấn đề hạt nhân Iran và một cuộc tấn công quân sự chỉ là phương sách cuối cùng khi không còn sự lựa chọn nào khác.
Tấn công quân sự là không thểCuối tuần trước, Đô đốc Mullen đã tiết lộ trên chương trình “Gặp gỡ báo chí” của đài truyền hình NBC rằng Washington có một kế hoạch tấn công Iran. “Đó là một trong những lựa chọn mà Tổng thống có. Một lần nữa, tôi hy vọng chúng tôi sẽ không phải dùng đến lựa chọn đó. Tuy nhiên, nó là một sự lựa chọn quan trọng.”
Dù thừa nhận cả hai viễn cảnh về một cuộc tấn công Iran và một Iran có vũ khí hạt nhân đều rất đáng sợ nhưng ông Mullen tin rằng biện pháp ngoại giao đa phương và những đòn trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế đối với Tehran vẫn là cách tốt nhất để buộc chính phủ Hồi giáo từ bỏ các tham vọng hạt nhân.
Trong khi dư luận gần đây đang xôn xao về một kịch bản Mỹ đánh Iran thì ông Michael O’Hanlon, giám đốc phụ trách nghiên cứu chính sách đối ngoại thuộc Viện Brookings có trụ sở ở Washington, nhận định khả năng này sẽ không thể xảy ra.
“Nói rằng sự lựa chọn quân sự đang được đặt lên bàn không có nghĩa là Mỹ đã có một kế hoạch chi tiết đánh Iran. Một kế hoạch chi tiết đồng nghĩa là đã có sự chuẩn bị và sẵn sàng thực sự để hành động. Điều đó cũng có nghĩa là khả năng xảy ra một cuộc tấn công gần như chắc chắn. Trong khi đó, thực tế là phương án đánh Iran đơn thuần mới chỉ là một sự lựa chọn,” ông O’Hanlon bình luận.
Nhà phân tích O’Hanlon đã đưa ra chính sách chống lại các cuộc tấn công phủ đầu của Tổng thống Obama để củng cố cho lập luận của mình. “Bởi vì, cuối cùng, xét về nhiều mặt, một cuộc tấn công Iran vẫn là một hình thức tấn công phủ đầu trong khi Tổng thống Obama luôn chống lại ý tưởng tấn công phủ đầu.”
Mỹ sẽ thiên về lựa chọn tìm kiếm sự hợp tác với các cường quốc thế giới khác như Trung Quốc, Pháp, Anh và Nga để gây áp lực về kinh tế với Iran.
Kể từ tháng 6, Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã lần lượt đưa ra các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn nhằm vào Iran sau khi nước này từ chối quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân. Các nước phương Tây lo ngại Tehran đang tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc một chương trình hạt nhân dân sự dù Iran luôn phủ nhận điều này.
Theo ông O’Hanlon, còn có lý do khác khiến Mỹ không thể đánh Iran, đó chính là tính không hiệu quả của sự lựa chọn này. “Một cuộc tấn công quân sự có thể sẽ đẩy Iran thụt lùi vài năm. Tuy nhiên, nước CH Hồi giáo có thể xây dựng lại các cơ sở mới ở những địa điểm mới,” nhà phân tích O’Hanlon cho biết đồng thời nhấn mạnh thêm rằng Tehran sẽ có thêm quyết tâm và sự ủng hộ trong nước để theo đuổi chương trình hạt nhân của nước này.
Ngoài ra, “hậu quả sau cuộc tấn công sẽ là rất nhiều nước trên thế giới quyết định không tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran. Vì thế, chúng ta có thể sẽ mất cơ sở cho các biện pháp trừng phạt. Trên tất cả các mặt trận chính trị và kinh tế, một cuộc tấn công quân sự vào Iran sẽ khiến chính chúng ta bị bất lợi,” ông O’Hanlon khẳng định.
“Nếu bạn tính tới cả tới những ý kiến ủng hộ và chống đối thì phương trình có vẻ như không nghiêng về lựa chọn quân sự,” nhà phân tích trên nói thêm.
Iran sẵn sàng cho một cuộc chiến tranhTuyên bố của Tướng Mullen về việc Mỹ có kế hoạch tấn công Iran đã ngay lập tức khuấy động lên làn sóng phản ứng đầy tức giận từ Tehran. Báo chí nước này sau đó gần như ngày nào cũng tràn ngập những lời chỉ trích và những đe dọa trả đũa nhằm vào Washington.
Chỉ huy Lực lượng Lục quân Iran – Trung tướng Ahmad-Reza Pourdastan, hồi giữa tuần trước đã tuyên bố Mỹ không có khả năng phát động một cuộc chiến tranh với nước CH Hồi giáo Iran “hùng mạnh”, hãng thông tấn chính thức IRNA đưa tin.
Theo lời ông Pourdastan, các lực lượng Iran đã hoàn toàn sẵn sàng để đối mặt với kẻ thù ở cả trên đất liền, trên không và trên biển. Ông này nhấn mạnh bất kỳ cuộc tấn công nào vào Iran sẽ phải hứng chịu đòn trả đũa chí tử.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran – ông Ramin Mehmanparast nhấn mạnh lời đe dọa tấn công của Đô đốc Mullen là “phát biểu thiếu thận trọng”, có liên quan đến sự tức giận và bất lực của Mỹ sau những thất bại liên tiếp ở khu vực Trung Đông.
Trong khi đó, Phó chỉ huy phụ trách chính trị của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran – ông Yadollah Javani hồi đầu tuần trước đã tuyên bố đầy thách thức: “Mỹ và chính quyền Do Thái (Israel) sẽ không dám tấn công Iran”. Theo ông Javani, những phát biểu của Đô đốc Mullen chỉ đơn giản là “chiến thuật đánh đòn tâm lý.” Trước đây, họ đã từng đưa ra các tuyên bố tương tự và những đe dọa kiểu này là nhằm để “gây sức ép buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân và đưa ra nhượng bộ”.
Nhiều nhà phân tích nhận định, đối với người dân Iran đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ nhiều năm bị trừng phạt kinh tế và phải liên tục nghe những thông tin về việc Mỹ sẽ tấn công nước họ thì vấn đề hạt nhân là điều gì đó quá xa vời với những lo lắng thường nhật của họ. Người dân ở đây không chú ý nhiều đến lời đe dọa mới của Mỹ mà chính báo chí và người dân bên ngoài lại coi nó là nghiêm trọng.
Ảnh hưởng từ một cuộc tấn công có thể xảy ra
Iran đã liên tục cảnh báo nước này sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào bằng việc nhằm mục tiêu vào các lợi ích của Mỹ trong khu vực và Israel cũng như đóng cửa Eo biển Hormuz, nơi nằm kẹp giữa Oman và Iran và là cửa ngõ ra vào khu vùng Vịnh nhiều dầu mỏ.
Ông Javani cảnh báo bất kỳ sai lầm nào của Washington cũng sẽ khiến tình hình an ninh trên toàn khu vực gặp nguy hiểm.
“Và như người ta đã từng nói trước đây, vùng Vịnh Persian sẽ an toàn cho tất cả mọi người hoặc không an toàn cho bất kỳ ai… Vịnh Persian là một khu vực chiến lược. Nếu an ninh của nó gặp nguy thì điều đó đồng nghĩa với việc lợi ích của người Mỹ cũng gặp nguy hiểm và đòn đáp trả của chúng tôi sẽ rất là kinh khủng,” IRNA trích lời ông Javani cho hay.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và phương Tây đang leo thang, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở vùng Vịnh và Eo biển Hormuz hồi cuối tháng 4 nhằm thể hiện khả năng của nước này trong việc kiểm soát khu vực cửa ngõ năng lượng và kinh tế quan trọng.
Với khoảng 40% nguồn dầu mỏ từ khu vực vùng Vịnh đi qua nơi này, Eo biển Hormuz trở nên rất dễ bị tổn thương bởi nó chỉ rộng có 50km ở vị trí được coi là rộng nhất.
Các nhà phân tích cảnh báo, một khi Mỹ phát động một cuộc tấn công, an ninh trên toàn khu vực vùng Vịnh sẽ gặp nguy và điều này sẽ gây ra những hậu quả không thể tưởng tượng được đối với giá dầu và nền kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, một cuộc chiến tranh bất ngờ giữa Mỹ và Iran cũng sẽ gây ra những hậu quả chính trị ở Iran và khu vực Trung Đông. Mỹ sẽ khó có thể duy trì một liên minh mạnh trong khu vực bởi một cuộc tấn công quân sự vào Iran sẽ biến Mỹ thành một cường quốc đơn phương, làm dấy nên lo ngại về một sự trở lại chính sách thời chính quyền Bush.