Trong cuộc trường chinh đầy hấp dẫn và tốn kém khám phá và khai thác không gian vũ trụ, các cường quốc đi theo những lộ trình khác nhau, nhưng mục tiêu cũng là: quân sự, kinh tế, khoa học …Trong tuần này, cơ quan Việt Nam Thông tấn xã đã đưa tin các hoạt động đáng chú ý từ các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Ngày 14/8, Từ căn cứ không quân Cape Canaveral (bang Florida) Mỹ đã phóng thành công tên lửa Atlas 5 mang vệ tinh liên lạc an ninh quốc gia thế hệ mới lên quỹ đạo. Vệ tinh quân sự thế hệ mới tiên tiến đầu tiên này của Mỹ được đưa lên quỹ đạo nhằm thu thập các dữ liệu quân sự.
Con tàu Advanced Extremely High Frequency của Mỹ
Theo chương trình, Mỹ sẽ còn đưa sáu vệ tinh Advanced Extremely High Frequency lên quỹ đạo trong thập kỷ tới với tổng chi phí ước tính 12,4 tỷ USD.
Vệ tinh Advanced Extremely High Frequency, do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, có công suất lớn gấp 10 lần và tốc độ truyền dữ liệu nhanh gấp sáu lần so với năm vệ tinh liên lạc Milstar II hiện hành.
Nga: quan tâm hệ thống định vị phủ kín toàn cầu
Hệ thống vệ tinh định vị GLONASS được lực lượng vũ trang Nga phát triển từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20 nhằm cạnh tranh với Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ và trong tương lai sẽ cạnh tranh với Hệ thống Galileo của châu Âu.
Vệ tinh Glonass của Nga
Ngày 17/8 Chủ tịch Cơ quan Vũ trụ quốc gia Nga Anatoly Perminov, trên Đài Tiếng nói Nga, cho biết Hệ thống vệ tinh định vị GLONASS của Nga sẽ phủ kín toàn thế giới vào cuối năm nay.
Hiện nay, hệ thống định vị của Nga gồm 21 vệ tinh loại GLONASS đang hoạt động trên quỹ đạo vũ trụ. Nga hy vọng trong năm nay sẽ hoàn thành tiến trình phóng vệ tinh và cuối tháng 12 này sẽ có 24 vệ tinh hoạt động thường xuyên trên quỹ đạo.
Ông Perminov cũng đề cập đến một đề án quan trọng khác - thành lập hệ thống vũ trụ Arctica cho phép theo dõi tình hình khí tượng và thăm dò địa chất vùng Bắc Cực. Hệ thống vũ trụ Arctica có thể trở thành đề án quốc tế, khi Canada, Italy và một số quốc gia châu Á cũng chủ trương hợp tác với Nga trong lĩnh vực này.
Đề cập đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), Ông Perminov cho rằng ISS có thể tiếp tục hoạt động trên quỹ đạo trong thời gian 10 năm tới, và một số môđun có thể hoạt động trong 20 năm. Tương lai, ISS có thể trở thành cơ sở phóng tàu vũ trụ bay tới các hành tinh khác, chẳng hạn như tới Sao Hỏa.
Trung Quốc: sắp phóng môđun vũ trụ không người lái
Tân hoa xã dẫn một nguồn tin quân sự cho biết Trung Quốc đã hoàn tất chế tạo môđun vũ trụ không người lái đầu tiên của nước này và đang tiến hành thử nghiệm các tính năng điện, cơ và nhiệt của môđun mới.
Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu.
Môđun mang tên Thiên Cung 1, nặng 8,5 tấn, sẽ được đưa lên quỹ đạoh vị trước vào năm 2011. Theo kế hoạch, môđun vũ trụ trên sẽ ghép nối với tàu vũ trụ Thần Châu 8, dự kiến được phóng lên vũ trụ trong nửa cuối năm 2011 sau môđun Thiên Cung 1. Đây sẽ là hoạt động ghép nối trong vũ trụ lần đầu tiên của Trung Quốc.
Các chuyên gia Trung Quốc đang chế tạo tàu vũ trụ Thần Châu 8 và thử nghiệm tên lửa đẩy Trường Chinh II-F dự kiến được sử dụng để phóng môđun Thiên Cung 1.
Hiện các nhà du hành vũ trụ Trung Quốc, trong đó có hai phụ nữ, đang được huấn luyện để chuẩn bị cho hoạt động ghép nối Thiên Cung 1 với Thần Châu 8. Hai tàu vũ trụ khác của Trung Quốc là Thần Châu 9 và Thần Châu 10 cũng sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2012 và cũng sẽ được ghép nối với Thiên Cung.