Thân trước là hình một con rồng thời Lý, thân sau là bản đồ Việt Nam uốn hình chữ S mềm mại với gam màu vàng nổi bật trên nền màu đen – tất cả được kết bằng tóc, đó là hình ảnh chiếc áo dài tóc độc nhất vô nhị ở Việt Nam hiện nay.
Chiếc áo dài làm 3 năm mới xong“Tôi đã chuẩn bị manơcanh có trụ xoay cho người xem chiêm ngưỡng ở khoảng cách vật mẫu 2m trong triển lãm Đại lễ” - bà Kim Quý bật mí. (Ảnh: NSNA Thái Phiên)
Chủ nhân của chiếc áo dài là nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng Hà thành Nguyễn Thị Kim Quý. 3 năm trước, khi được biết thành phố phát động phong trào toàn dân hướng về Đại lễ 1000 năm, Kim Quý quyết định làm áo dài kết từ hàng triệu mét tóc của phụ nữ các dân tộc Việt Nam.
Khi mới bắt tay vào công việc, lúc đầu Kim Quý dùng keo để kết dính các sợi tóc nhưng không tạo được lớp “lông” phủ bề mặt áo. Kim Quý thử đan bằng khung thêu nhưng làm thế sẽ không tận dụng được tóc sợi ngắn. Thử nghiệm nhiều cách, cuối cùng Kim Quý tìm ra phương pháp tối ưu là lấy vải sợi tóc dài để làm cốt, sau đó lấy những sợi ngắn hơn vê vào sợi tóc dài đó. Mỗi lần vê sẽ thừa ra một đoạn tóc đủ để làm độ mềm cho mặt áo.
Kim Quý mua một manơcanh và làm theo số đo này. Móc tóc liền như móc áo len, không hở qúa nhiều, cũng không kín mít để có độ co giãn, ai mặc cũng được.
Sau áo dài, nhà tạo mẫu tóc Kim Quý sẽ thực hiện làm tranh từ tóc. (Ảnh: NSNA Thái Phiên)
Sau nhiều đêm thức trắng, Kim Quý đã cho ra đời một chiếc áo dài tóc độc đáo, lạ mắt. Áo dài nặng 1,1kg, mũ nặng 0,9kg. Kim Quý còn dùng 0,5kg tóc bạc để tạo hình tháp Rùa, trang trí hình rồng và bản đồ Việt Nam.
Kim Quý cho biết: “Với tấm bản đồ, tôi kết tóc chìm nhưng mình rồng tôi để những nhúm tóc bồng bềnh để tạo hiệu ứng trước gió. Khi cô gái làm mẫu thướt tha trong tà áo dài tóc, gió sẽ đung đưa những lọn tóc biểu trưng cho vảy rồng khiến cho mình con rồng đang như bay về trời”.
Riêng chiếc mũ, họa tiết hình tháp Rùa 100% là tóc bạc. Tháp cao hơn 10 cm và có màu vàng như nắng mùa thu in hình trên tháp. Bản đồ được làm với tỷ lệ 1/18.000, có đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Nói về ý tưởng làm chiếc áo, nhà tạo mẫu tóc Kim Quý tâm sự: Vạt sau in bản đồ Việt Nam thể hiện sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. 54 dân tộc đang sống trên đất nước hình chữ S đã chiến đấu, bảo vệ mảnh đất này và hôm nay một phần cơ thể của người phụ nữ Việt hội tụ lại trên vạt áo, thể hiện một tinh thần dân tộc sâu sắc. Còn hình ảnh rồng bay ở vạt trước hướng lên trên mũ có in tháp Rùa tượng trưng cho tấm lòng con dân đất Việt hướng về mảnh đất 1000 năm.
Viết thư xin tóc
Kim Quý bảo rằng tóc của những người phụ nữ bình thường bà đã gom góp được trong gần 30 năm làm nghề nhưng bà muốn công trình nghệ thuật này có một phần cơ thể của những người phụ nữ tiêu biểu của thủ đô. Thế là bà quyết định biên thư từ cuối năm 2009, đầu năm 2010 cho hàng trăm phụ nữ.
Thư phúc đáp và lọn tóc của bà Nguyễn Thị Kim Cúc - nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
“Với ý tưởng chiếc áo dài được làm bằng tóc của chị em phụ nữ 54 dân tộc nhằm mục đích thể hiện tình đoàn kết dân tộc Việt Nam hướng về cội nguồn của Tổ quốc. Nay chiếc áo dài tôi đã làm trong 3 năm xong phần thân áo được 75 %. Tôi viết lá thư này gửi tới bà với tấm lòng kính trọng và mong muốn được bà ủng hộ cho ý tưởng thiết kế chiếc áo dài của tôi và đồng ý cho tôi được xin một chút sợi tóc của bà để tôi đưa vào chiếc áo dài bằng tóc. Tôi muốn những sợi tóc của bà vào khu vực bản đồ Việt Nam vì theo tôi nghĩ, bà là một trong những người đã và đang cống hiến tâm sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước” – trích thư gửi bà Ngô Thị Thanh Hằng, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Trong chiếc áo dài này có cả những sợi tóc bạc của cả các cụ bà; những sợi tóc đen óng ả của các bà, các chị ở Tây Nguyên; những nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Chu Thúy Quỳnh, cố nghệ sĩ Lê Lam, Hồng Nhung… Ngoài ra, còn có tóc của phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thị Kim Cúc, PGS.TS Văn học Mai Hương… và nhiều nhân vật khác cũng góp tóc làm nên chiếc áo độc đáo này.
Ngoài những lọn tóc trên, Kim Quý dành nhiều ngày đi khắp phố phường Hà Nội, đến những nơi người già lui tới hóng gió, ngắm cảnh để xin tóc bạc làm mũ và hình tháp Rùa. May sao, tấm lòng của Kim Quý được các cụ thấu hiểu và ủng hộ nhiệt thành.
Trong buổi trình diễn tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 vừa qua tại Hà Nội, áo dài tóc đã trang trọng thướt tha trong tiết mục múa Hoa đất nước. Và tới đây, trong triển lãm “Những tấm lòng với Thăng Long – Hà Nội”, mũ tóc, áo dài tóc, hài tóc sẽ ra mắt công chúng thủ đô trong dịp Đại lễ ngàn năm.