Năm nào cũng vậy, khi bông lúa mùa đã cong cong hình lưỡi liềm, khi hương cốm tỏa lan khắp bản làng, khi ánh trăng rằm đã lấp ló sau rặng tre trước bản cũng là lúc thiếu nhi bản Tày ở Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) rộn rã đón tết trung thu.
Trung thu xóm nghèo
Những ngày chuẩn bị đến tết trung thu, các thầy cô giáo tổng phụ trách Đội, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài trường tất bật chuẩn bị ngày vui cho các cháu. Dù điều kiện thiếu thốn, dù còn nhiều khó khăn, nhưng năm nào cũng vậy, tết trung thu ở Nghĩa Đô vẫn được luôn rộn rã và tưng bừng.
Đám trẻ háo hức lắm. Những đoàn múa lân đã rộn ràng đường làng ngõ xóm từ trước trung thu cả tuần lễ. Không có điều kiện như trẻ em thành phố, thiếu nhi Nghĩa Đô thường tự tạo cho mình niềm vui bằng tất cả những gì có được và tự làm được. Đèn ông sao được làm từ các thanh tre vót mỏng, dán ni-lon màu xung quanh, thắp nến ở giữa. Bọn trẻ còn tự làm đèn bằng ống nứa hoặc vỏ lon bia…
Năm nào cũng vậy, đúng vào đêm rằm, các em học sinh sẽ tập trung tại trường, xếp thành hàng dài và rước đèn từ sân trường cho tới tận cuối bản. Mâm ngũ quả cùng ảnh Bác Hồ được rước đi đầu cùng cờ Đội và đội trống; theo sau là đoàn thiếu nhi của các lớp. Cả bản làng rộn rã, rực sáng và lấp lánh. Khi đoàn rước quay trở lại trường, màn phá cỗ trung thu bắt đầu.
Ở một vùng đất xa xôi, nghèo khó như Nghĩa Đô, với sự quan tâm của cha mẹ, thầy cô và các đoàn thể, trẻ em nơi đây vẫn được hưởng những ngày tết trung thu ấm áp, thánh thiện và êm đềm nhất.
Cố đô Huế tất bật không khí trung thu
“Dấu hiệu nhận biết” ngày hội trung thu ở Cố đô Huế là không khí khẩn trương, rộn rã ở những xưởng làm đầu lân, trống, bánh trung thu…
Không khí trung thu tất bật ở xưởng sản xuất đầu lân
Nhà ông Đoàn Văn Trai - chủ cửa hàng lân Thu Đông chuyên làm lân hơn 50 năm nay - trên đường Phan Đăng Lưu, TP Huế, những ngày này luôn bận rộn, tấp nập với hàng trăm lượt người tới bán mua, trả giá…
Ông Trai cho biết: “Nghề làm lân ăn theo thời vụ, bắt đầu từ tháng 6-8 âm lịch là lúc gia đình luôn bận rộn với công việc và kéo dài đến đầu tháng 8 là nghỉ. Người làm lân phải rất công phu, tỉ mỉ nhiều công đoạn từ làm khung, dán giấy lên khung, chờ cho khô thì tháo khung, cuối cùng là vẽ và trang trí lân”.
Một con lân lớn phải mất 2-3 ngày làm, lân nhỏ thì một ngày có thể làm ra 2-3 con. Năm nay giá một con lân nhỏ cho thiếu nhi khoảng 30-40.000đ, lân trung bình giá từ 250.000-300.000đ/con, lân lớn lên tới 600.000đ/con.
Nhiều hàng trống trên đường Lê Duẩn, Nhật Lệ, những ngày này đã hoàn thiện hết những lô trống hàng trăm chiếc, cung cấp cho địa bàn trong tỉnh và cả các tỉnh bạn.
Cửa hàng bánh Bảo Thạnh không thể đứng ngoài không khí trung thu. Anh Nguyễn Phước Quý Thành, chủ cửa hàng bánh Bảo Thạnh, cho biết: “Năm nào cũng vậy tới đầu tháng tám âm lịch là mình bắt đầu làm bánh phục vu trung thu. Bánh được làm thủ công là chính, không sử dụng chất bảo quản, đáp ứng được nhu cầu ăn tươi mới và thói quen của người Huế.
Năm nay giá cả có nhỉnh hơn năm ngoái nhưng so với các thương hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica… thì vẫn rẻ hơn nhiều. Rất nhiều khách đến đặt hàng trước; các cơ quan cũng mua bánh nhiều để đi tặng”.
Chủ lò bánh cổ truyền Phước Hưng - anh Lưu Phước Hưng - cũng chia sẻ: “Ở đây mình chỉ làm theo thủ công là chính, không quảng cáo, không tốn cước vận chuyển, nhân công rẻ. Chính vì tiết kiệm được nhiều thứ nên giá thành thấp. Dự đoán cơ sở sẽ lời hơn trăm triệu qua mùa trung thu này”.