(
) - Cuối chiều 5/10, hai trực thăng cùng lương thực đã đến sân bay Đồng Hới, lực lượng của UBQG TKCN và QK4, Hải quân vùng 3 đang tìm cứu 52 ngư dân gặp nạn. Quảng Bình đang đối diện cơn đại hồng thủy lịch sử, 35.500 hộ dân tại 6/7 huyện bị lũ tấn công.
>>> Gần 30 người chết và mất tích, hàng trăm tỷ đồng trôi theo lũ
>>>Thêm một đợt áp thấp gây mưa to đe dọa miền Trung
>>>Chi viện trực thăng, xe lội nước ứng cứu Quảng Bình
Sáng nay 5/10, chỉ sau một đêm đã có 6/7 huyện trong tỉnh ngập chìm trong lũ. Mực nước lũ đã vượt mức lũ lịch sử năm 1985.
Trước tình hình lũ lụt diễn biến quá nhanh và phức tạp, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện khẩn đề nghị UBQG TKCN điều tàu cứu hộ phối hợp với lực lượng của Quân khu 4 và Hải quân vùng 3 cứu 52 ngư dân đang gặp nạn trên biển.
Chuyến trực thăng đầu tiên mang theo 1 tấn mỳ tôm
hạ cánh tại sân bay Đồng Hới lúc 16h30'
Vào lúc 16 giờ 30 và 17 giờ ngày 5/10, hai trực thăng cứu hộ của sư đoàn phòng không - không quân 371 và 372 (Binh chủng Phòng không - không quân) đã được điều vào Quảng Bình, mang theo hơn 10 tấn mỳ tôm, 2,5 triệu lít nước và 1,5 tấn lương khô để cứu trợ dân vùng bị lũ cô lập hoàn toàn.
Ngay trong ngày, 2 máy bay đã chở tổng cộng 1,2 tấn mỳ tôm đến vùng nam huyện Quảng Trạch và chở lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đi thị sát tình hình lũ lụt. Trong ngày mai, số lương thực, nhu yếu phẩm sẽ được trực thăng đưa đến các vùng bị lũ cô lập và chưa nhận được sự hỗ trợ nào ở huyện Minh Hóa.
Bốc mỳ tôm cứu trợ lên trực thăng chở đến vùng nam Quảng Trạch.
Chiều 5.10, mực nước lũ sau khi đạt đỉnh đã rút chậm, hiện lũ trên các sông Gianh và Kiến Giang vẫn ở trên mức báo động 3 từ 0,6 đến 0,8m.
Nhiều vùng dân cư ven sông Kiến Giang ngập hoàn toàn trong nước. Theo BCH PCLB&TKCN tỉnh, có tới 35.580 hộ dân bị ngập sâu trong nước. Toàn tỉnh đã có 4.000 hộ dân phải di dời, chưa tính các hộ chủ động chạy lũ và di dân tại chỗ. Hiện vẫn còn 100 tàu cá với khoảng 1.000 ngư dân chưa vào được đất liền.
Đặc biệt, ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, do nước sông Gianh dâng mạnh và chảy xiết nên thiệt hại về tài sản của dân rất lớn do bị sập nhà, trâu bò, lợn gà chết, cá nuôi bị trôi.
Người dân xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh) đưa trâu bò lên gò
cao nhất xã để tránh lũ khi 95% số nhà trong xã bị ngập.
Nội thị TP Đồng Hới, thành trì cuối cùng của tỉnh Quảng Bình cũng bị lũ tấn công nhiều nơi, các tuyến đường huyết mạch ở hai đầu cửa ngõ bị ngập nặng.
Theo thông tin từ nhiều nguồn, đã có 14 người chết vì mưa lũ, trong đó có vụ chìm tàu Huy Hoàng (chưa rõ đơn vị chủ quản) ở cửa Gianh khiến cả 5 thuyền viên thiệt mạng và vụ xe thi công bị trôi khiến 3 người gặp nạn ở xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh).
Ngoài 9 xã vùng nam Quảng Trạch bị lũ chia cắt, toàn bộ xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã 3 ngày bị ngập sâu, cô lập hoàn toàn trong lũ, thông tin liên lạc bị cắt đứt.
19 giờ ngày 5/10, UBND huyện Minh Hóa cho biết, đoàn lãnh đạo huyện đang đi canô vào cứu trợ xã Tân Hóa nhưng canô đang mắc kẹt vì trời tối và địa hình hiểm trở. Hiện chưa có thông tin mới nhất từ Tân Hóa, nhưng theo nhiều người dân lân cận, hiện dân Tân Hóa đã phải tự đóng bè, bỏ nhà cửa chuyển lên vùng triền núi, hang đá để tránh lũ và chờ cứu trợ.
QL1A nhiều đoạn thành sông.
Cơn đại hồng thủy dâng chóng mặt khiến giao thông bị chia cắt nghiêm trọng, góp phần làm tình hình thêm bi đát. Trên QL1A và đường Hồ Chí Minh có hàng chục điểm ngập, sạt lở. Có đoạn ngập sâu hơn 1m, dài vài km.
Dòng xe tắc ứ ở phía nam chân cầu Quán Hàu.
Tắc đường không chỉ khiến công tác cứu trợ, chỉ đạo chống lũ gặp khó, mà còn khiến hàng nghìn phương tiện bắc - nam bị ùn ứ, chết máy tại Quảng Bình. Theo ghi nhận của PV tại chân cầu Quán Hàu và các tuyến đường nối giữa QL1A và đường HCM, nhiều đoàn xe ùn tắc với hàng trăm người nằm ngồi la liệt.
Ga Đồng Hới phục vụ bữa ăn miễn phí cho hành khách mắc kẹt tại ga.
Hiện tuyến đường sắt bắc - nam qua Quảng Bình vẫn bị ngập, khiến 8 đoàn tàu đang “nằm” tại ga Đồng Hới với hơn 1.100 hành khách.