Người phụ nữ gầy đét với gương mặt mỏng, dáo dác nhìn vào căn phòng xử vắng hoe. Nhận được cái chỉ tay của thư ký, cô quay đầu buồn bã nhìn chồng rồi lê đôi giày ba ta bạc thếch tiến đến vành móng ngựa.
Suốt thời gian chờ phiên tòa khai mạc, Lê Thị Oanh (29 tuổi) không sao giấu được vẻ bồn chồn lo lắng khi liên tục ngó nghiêng về phía cửa phòng chỉ dành riêng cho HĐXX. Thấy thái độ của vợ, người đàn ông cũng nhăn nhó, hết đứng lên lại ngồi xuống rồi nói vọng lên vài lời an ủi gượng gạo. Nhìn xấp hồ sơ trên tay, anh bảo, anh chẳng biết làm gì hơn để trấn an vợ vì bản thân cũng đang rất "rối", không chỉ vì sự uy nghiêm vốn có của chốn pháp đình, mà đây còn là phiên xử phúc thẩm quyết định số phận vợ anh cũng như cái gia đình bé nhỏ của anh.
Oanh nức nở "thế là hết"…
Sự xuất hiện của ba nữ thẩm phán càng làm Oanh lóng ngóng. Cảm giác căng thẳng tột cùng khiến nữ bị cáo liên tục buông tiếng thở dài, mồ hôi tứa ướt vầng trán rộng.
Theo nội dung vụ án, sớm mồ côi cha, Oanh phải nghỉ học để kiếm sống khi chưa nhớ mặt chữ tại quê nhà ở Trà Vinh. Lên Sài Gòn tìm việc làm, Oanh kết hôn với một chàng trai làm thuê cũng là người thất học từ nhỏ. Sau bao nhiêu lận đận, vợ chồng cô được gia đình chồng cho mảnh đất sát vách tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè (TP HCM).
Trưa ngày 31/3/2009, Oanh sang nhà chồng mượn sổ hộ khẩu để tách hộ nhưng bị từ chối nên lớn tiếng cự cãi. Về đến nhà, vẫn còn ấm ức, nàng dâu liền lấy micro (thường hát karaoke) chửi nhà chồng cho cả xóm nghe.
Phát hiện sự việc, chị chồng của Oanh liền chạy sang gây gỗ dẫn đến đánh nhau. Thấy vậy, cô em chồng cũng lao vào “chiến đấu” khiến Oanh yếu thế. Vớ được con dao lam trên máng xối nước, Oanh xông đến rạch nhiều nhát lên mặt hai “đối thủ” gây thương tích. Nghe tiếng la hét, một người chị chồng khác chạy đến đánh Oanh làm rơi dao lam xuống đất thì sự việc mới được dừng lại.
Từ cú “ra đòn” hiểm ác của Oanh, cô em chồng phải mang thương tích 26%, và người chị chồng cũng phải chịu 12% thương tật vĩnh viễn. Còn Oanh bị khởi tố về tội “cố ý gây thương tích” nhưng được tại ngoại hầu tra.
Ngày 26/2, TAND huyện Nhà Bè đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Lê Thị Oanh mức án 2 năm 6 tháng tù về tội trên. Không đồng ý với bản án, Oanh kháng cáo xin được giảm hình phạt và được hưởng án treo để chăm sóc hai con nhỏ.
Liếc nhanh vẻ nghiêm nghị của HĐXX, Oanh trình bày bằng giọng bức xúc. Theo nữ bị cáo này, từ ngày cô và chồng yêu nhau đã không được gia đình chồng chấp nhận. Đã nhiều lần định chia tay nhưng vì quá yêu chồng nên cô chấp nhận làm đủ mọi cách để lấy lòng gia đình anh. Về làm dâu trong sự ghẻ lạnh của mọi người, cô rất buồn nhưng đành cắn răng chịu đựng.
Hằng ngày, Oanh phải làm như một osin để cáng đáng mọi công việc trong gia đình chồng nhưng dường như vẫn chưa làm vừa lòng mọi người, nhất là những người chị và em của chồng. Niềm an ủi duy nhất cho nàng dâu trẻ lúc đó là sự thông cảm, yêu thương của người chồng hiền lành, cục mịch. Thời gian sau cô có thai đứa con đầu lòng, phải “đấu tranh” mãi cha mẹ mới cho được căn nhà cất vội trên mảnh đất sát vách. Trước đó, những người anh em khác của chồng đã được họ cho mỗi người một phần đất làm của riêng.
Cũng theo lời Oanh, năm 2007, cô sinh thêm được một người con cũng là thời buổi chuyển biến, đất đai càng ngày càng lên giá. Những người trong gia đình chồng Oanh tiếc hùi hụi vì trót bán hết đất đã được cha mẹ chia cho. Từ đó, căn nhà lụp xụp của Oanh luôn bị dòm ngó. Thấy vậy, vợ chồng Oanh đề nghị mượn hộ khẩu để tách hộ nhưng kế hoạch này của vợ chồng Oanh không thể thực hiện.
“Hôm đó vợ chồng tôi lại sang mượn hộ khẩu nhưng bị cha mẹ đuổi về. Vì quá tức giận nên tôi lấy micro chửi họ, không ngờ bị cả ba chị em chồng cùng hùa vào đánh. Chạy không được nên tôi mới phải làm thế”, Oanh cố biện hộ.
“Việc vợ chồng bị cáo mượn hộ khẩu thế nào đã rõ trong hồ sơ vụ án nhưng hành vi của bị cáo là không thể chấp nhận được. Tòa chưa từng thấy ai lại dùng micro chửi cả nhà chồng cho hàng xóm nghe, đã vậy còn lấy dao lam rạch mặt chị em chồng gây thương tích nặng nề. Bị cáo thật quá quắt”, nữ chủ tọa lớn tiếng.
Oanh gân cổ cãi: “Ngay từ đầu họ đã không chấp nhận, suốt ngày kiếm chuyện chửi bới, đánh đập bị cáo. Vợ chồng bị cáo đã phải bán căn nhà lấy 60 triệu bồi thường cho họ rồi phải đi thuê nhà ở, làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày. Họ hứa sẽ làm giấy bãi nại cho bị cáo nhưng giờ lờ luôn vì muốn cho tôi đi tù…”.
“Đến bây giờ bị cáo vẫn chưa nhận ra được hành vi sai trái của mình thì làm sao HĐXX xem xét? Nếu họ có như thế, thì phải làm sao cho họ thương và hối hận vì đã đối xử không tốt với bị cáo chứ. Còn các con của bị cáo chúng sẽ suy nghĩ thế nào khi lớn lên? Dù sao chúng cũng là cháu của họ mà”, một nữ thẩm phán khác gay gắt ngắt lời.
Trước vành móng ngựa, Oanh cúi đầu thay cho câu trả lời
Giờ nghị án, Oanh ngúng nguẩy định ra khỏi phòng nhưng không được phép. Cô quay lưng tìm chồng nhưng anh đã xông thẳng vào phòng nghị án của HĐXX đòi được giải thích cho hành vi phạm tội của vợ. Bị mời ra khỏi phòng, người đàn ông tiu nghỉu ôm mớ hồ sơ vào lòng, đau đáu nhìn vợ đang nhấp nhổm trên ghế bị cáo.
Hôm đó, cho rằng cấp sơ thẩm đã xử đúng người, đúng tội, tại phiên phúc thẩm không có thêm tình tiết gì mới… TAND TP HCM đã giữ nguyên bản án với Lê Thị Oanh.
"Vậy bây giờ tôi bị bắt đi tù luôn hả? Tôi chưa kịp dặn dò hai đứa nhỏ cái gì mà…", Oanh cuống quýt quay sang chồng hỏi dồn dập khi phiên tòa kết thúc.
Cũng hoang mang không kém, người đàn ông vội bíu áo một người dự khán hỏi han về quyết định vừa rồi của tòa. Biết bản án này đã có hiệu lực, phải làm đơn xin hoãn thi hành án thì Oanh mới được ở nhà một thời gian để thu xếp chuyện gia đình, cả hai vợ chồng cùng rân rấn nước mắt: “Chúng tôi không biết chữ…”.
Trong khi chồng sốt sắng hỏi han nơi có thể giúp làm đơn xin hoãn thi hành án, Oanh ngồi thụp xuống sân tòa nức nở: “Thế là hết. Nhà cửa đã không còn mà các con cũng phải bơ vơ…”.