Việt Nam, đất nước được gọi là con rồng nhỏ, đang nhanh chóng nổi lên như một mẫu thành công về toàn cầu hóa - đó là nhận xét của Jean-Pierre Lehmann, giáo sư về kinh tế chính trị quốc tế và là giám đốc kiêm người sáng lập Tập đoàn Evian, trong một bài viết đăng trên Global Arab Network. Chúng tôi xin giới thiệu trích lược bài viết nói trên:
Vào ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. 15 năm trôi qua đã chứng kiến sự phát triển vượt trội trong quan hệ giữa hai nước.
Thực tế, trong mọi cuộc cạnh tranh giành vị thế mẫu chuẩn toàn cầu hóa, người ta thường nghĩ đến một Trung Quốc và Ấn Độ có tầm cỡ châu lục. Thế nhưng Việt Nam, đất nước được gọi là con rồng nhỏ hơn, cũng nhanh chóng nổi lên như một mẫu thành công toàn cầu hóa - điều này được công nhận khi nước này được chọn làm chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam là một thế mạnh đang nổi lên nhanh chóng. Kể từ đầu thế kỷ này, Việt Nam giữ vị trí thứ 3 về tăng trưởng GDP trung bình hàng năm, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đây cũng là nước thành công nhất trong cuộc chiến xóa đói nghèo.
Việt Nam cũng đã trở thành một nước xuất khẩu lớn, xếp thứ 40 và Mỹ là đối tác lớn nhất. Không chỉ có vậy, Mỹ còn có sự hiện diện nổi bật trong đầu tư vào Việt Nam cùng Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Australia, khối EU và đảo Đài Loan...
Trong năm 2007, sau hơn một thập niên đàm phán, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới sự thành công của Việt Nam là sự tham gia tích cực của cộng đồng người Việt ở nước ngoài vào sự phát triển của đất nước. Nhiều "thuyền nhân" hoặc con cháu họ nay đã trở về, mang theo tri thức và những đồng vốn quý giá.
Tốc độ thay đổi ở Việt Nam là đáng kinh ngạc. Trong vòng một thập niên qua, Việt Nam đã trở thành một xã hội năng động, cởi mở. Theo đuổi các chính sách cải cách, mở rộng tự do và hội nhập sâu hơn nữa vào kinh tế thế giới, chính phủ Việt Nam đang nhắm tới đạt được vị trí của một quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2020.
Người Việt Nam có ý thức về sự thành công của thời kỳ đổi mới hiện tại, họ có niềm tự hào trong quá khứ - năm nay Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - và họ tự tin về tương lai.
Trong mấy nghìn năm lịch sử, mối bận tâm chính của Việt Nam là giữ gìn chủ quyền, tự do và bản sắc của mình trước người láng giềng phía bắc là Trung Quốc. Suốt thế kỷ vừa qua, Việt Nam đã liên tiếp chiến đấu chống Nhật, Pháp, Mỹ và họ đã thành công. Năm nay là năm thứ 35 kể từ "Sài Gòn sụp đổ" - sự kiện đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến ở Việt Nam và dẫn tới thống nhất đất nước, lập nên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Vào năm 1986, nhận rõ những thách thức phải đối mặt, Hà Nội đã thực hiện chương trình cải cách mang tên "Đổi Mới". Chính sách này làm tăng hy vọng và thu hút giới đầu tư nước ngoài nhưng các kết quả ban đầu không được mỹ mãn do việc thực thi cải cách diễn ra chậm chạp.
Sau đó, vào đầu thế kỷ này, Việt Nam tiến hành mở cửa để lôi kéo các nhà đầu tư trở lại. Kết quả là nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và Việt Nam trụ vững trước cơn bão suy thoái năm 2008-09.
Tham gia vào toàn cầu hóa, Đông Á thực sự là một hình mẫu cho nền kinh tế toàn cầu những năm cuối thế kỷ 20. Tiếp sau "phép màu" của Nhật Bản, các con rồng nhanh chóng vươn dậy, từ đói nghèo lạc hậu vươn tới công nghiệp hóa thành công; vào cuối những năm 1980, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là khu vực tăng trưởng nhanh nhất trong thế giới đang phát triển.
Vào năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN và có thêm sức đẩy cho tăng trưởng.
Sự tham gia nhiệt tình của nhiều nước Đông Á đã đặt con tem châu Á lên bản đồ toàn cầu hóa thế giới thế kỷ 21. Dường như có thể nói rằng châu Á sẽ chi phối nền kinh tế toàn cầu trong những thập niên tới đây. Và Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh tổng thể của châu lục.
Có rất nhiều rủi ro cố hữu ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Các vấn đề về hạ tầng, quản lý, tham nhũng, bất bình đẳng gia tăng - mặc dầu ở Việt Nam không tồi tệ như ở một số quốc gia Đông Á khác - có thể gây nguy hiểm cho triển vọng tương lai.
Thanh Hảo (gt)
* Tác giả Jean-Pierre Lehmann là giáo sư về kinh tế chính trị quốc tế và là giám đốc kiêm người sáng lập Tập đoàn Evian. Ông cùng với con trai là Fabrice Lehmann biên tập cuốn sách "Hòa bình và Thịnh vượng nhờ Thương mại Thế giới) sẽ được Cambridge University Press xuất bản vào tháng 9/2010.